Nếu doanh nghiệp bạn có người lao động là người nước ngoài thì hãy thử tìm hiểu cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài tại Việt Nam để tránh những sai phạm, nhầm lẫn dẫn đến thiệt hại cho cả 2. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
>>> Mẫu 09/VN-NPT-TNCN bảng kê về người phải trực tiếp nuôi dưỡng
>>> Hướng dẫn đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh mới nhất
Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam
Cách xác định cá nhân cư trú
Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam khi thỏa mãn một trong các điều kiện:
Điều kiện 1
Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 1 năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục tính từ ngày đầu tiên ở Việt Nam. Ngày đến và ngày đi được tính là 1 ngày. Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng 1 ngày thì tính là một ngày cư trú.
Điều kiện 2
Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo 1 trong 2 trường hợp:
+ Nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ công an cấp.
+ Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định pháp luật, thời hạn hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể:
- Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi tạm trú khi đăng ký Thẻ tạm trú nhưng có tổng ngày thuê nhà nhà để ở theo hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, kể cả trường hợp thuê nhà nhiều nơi.
- Nhà thuê để ở bao gồm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định trên nhưng có mặt ở Việt Nam dưới 183 ngày trong năm, và cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Nếu cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì phải cung cấp bản chụp Hộ chiểu để chứng minh thời gian cư trú.
Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài là cá nhân cư trú
– Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân cư trú là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả.
– Cá nhân cư trú phải đóng thuế thu nhập đối với tiền lương phát sinh tại Việt Nam và cả tiền lương phát sinh ở nước ngoài.
– Trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài khi kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam trước khi xuất cảnh thì phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế.
– Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú tính theo biểu thuế suất lũy tiến từng phân sau đây:
Trđ : Triệu đồng; TNTT: Thu nhập tính thuế
Bậc thuế | Thu nhập tính thuế/năm (Triệu đồng) | Thu nhập tính thuế/tháng (Triệu đồng) | Thuế suất (%) | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | ||||
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 | 0+ 5% TNTT | 5% TNTT |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10%TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30% TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài là cá nhân không cư trú tại Việt Nam
Cách xác định cá nhân không cư trú
Cá nhân không đáp ứng được điều kiện ở phần 1a phía trên là cá nhân không cư trú.
Cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài là cá nhân không cư trú
– Thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt chi trả.
– Người lao động là người nước ngoài chỉ đóng thuế thu nhập phần tiền lương phát sinh tại Việt Nam. Tiền lương phát sinh ở nước ngoài không đóng thuế theo Luật thuế TNCN.
– Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được tính là:
Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất 20%.
– Phần thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú không cần quyết toán.
Kết thúc phần tìm hiểu cả đối tượng cư trú và không cư trú, mình xin thông tin thêm cho các bạn về hồ sơ quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài.
Hồ sơ quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay
Trường hợp chung
Trong những trường hợp chung như thế này thì bạn hãy chuẩn bị 3 loại giấy tờ dưới đây:
– Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN (ban hành kèm thông tư 92/2015/TT-BTC).
– Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN (ban hành kèm thông tư số 92/2015/TT-BTC nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc).
– Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
Các bạn có thể tải mẫu tờ khai Quyết toán thuế mẫu số 02 và phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT_TNCN: Tại đây
Trường hợp tổ chức chi trả đã chấm dứt hoạt động
Nếu tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động, khi đó cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân.
Trương hợp cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp
Còn nếu theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp. Khi đó người nộp thuế có thể nộp bản chụp Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc bản chụp chứng từ ngân hàng số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế.
– Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
– Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài thì phải có tài liệu chứng minh số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay
Tổ chức, cá nhân được ủy quyền quyết toán thay theo mẫu 02/UQ-QTT-TNCN (ban hành kèm thông tư 92/2015/TT-BTC) , kèm bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo và khuyến học (nếu có).
Nếu đã biết được hồ sơ quyết toán thuế TNCN cho người nước ngoài gồm những gì thì một vài thông tin liên quan đến quyết toán thuế TNCN đối với người nước ngoài dưới đây cũng khá bổ ích đấy.
Quyết toán thuế TNCN đối với người nước ngoài
Thời hạn khai quyết toán thuế cho cá nhân nước ngoài
– Trường hợp làm việc đến 31/12:
+ Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
+ Nếu người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam và:
- Ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập thì cá nhân, tổ chức trả thu nhập này thực hiện quyết toán thuế TNCN cho cá nhân cư trú đó chậm nhất 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch
- Không ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập thì cá nhân, tổ chức trả thu nhập không thực hiện quyết toán thuế TNCN cho cá nhân cư trú đó.
– Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trong năm dương lịch:
Người nước ngoài này phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.
Trường hợp việc quyết toán thuế TNCN không thực hiện được do thời gian gấp, không chuẩn bị kịp hồ sơ và tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu trách nhiệm về số thuế TNCN của người này thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế TNCN thay, chậm nhất là 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày xuất cảnh.
Quyết toán thuế cho cá nhân nước ngoài là thành viên cư trú và không cư trú
– Nếu là cá nhân cư trú tại Việt Nam và có ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán cho cá nhân cư trú này tại thời điểm quyết toán thuế TNCN theo quy định.
– Nếu là cá nhân không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải khấu trừ thuế TNCN thuế suất 20% trên tổng thu nhập của cá nhân không cư trú này.
Giảm trừ gia cảnh cho con người nước ngoài, cá nhân người nước ngoài nghỉ sinh con khi quyết toán thuế TNCN
– Người phụ thuộc là con quy định tại Điểm 1, Điều 9, Thông tư 111/2013/TT-BTC.
-Cá nhân người nước ngoài nghỉ sinh con:
Nếu thuộc đối tượng cư trú nghỉ sinh con 6 tháng có ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cá nhân, tổ chức trả thu nhập thì cá nhân, tổ chức trả thu nhập quyết toán thay cho cá nhân, tính giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Lưu ý là phải đăng ký giảm trừ gia cảnh trước khi quyết toán thuế TNCN.
Bù trừ thuế TNCN sau khi quyết toán thuế TNCN cho cá nhân đã nghỉ việc
Nếu cá nhân nghỉ việc trước khi kết thúc năm thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân để cá nhân tự quyết toán thuế TNCN.
Các công văn quy định về tính thuế cho người nước ngoài
Căn cứ vào công văn 6633/CT-TTHT về thu nhập cá nhân quy định như sau:
Một số khoản được miễn thuế TNCN khi tính thuế cho người nước ngoài:
- Bảo hiểm bắt buộc ở bản xứ, nếu loại bảo hiểm này có tính chất tương tự như BHYT, BHXH như ở Việt Nam.
- Bảo hiểm không bắt buộc ở bản xứ, nếu thuộc loại bảo hiểm không tích lũy về phí bảo hiểm.
- Khoản lương hưu được trả cho cá nhân theo chính sách hưu trí tại nước Sở tại.
- Các khoản chi phí phát sinh liên quan đến thực hiện công việc tại Việt Nam cho cá nhân (phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty) như: chi phí đi lại (taxi, vé máy bay) theo đúng quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của Công ty.
- Các khoản chi đào tạo trong nước và ngoài nước do Công ty chi trả cho cá nhân để nâng cao trình độ, tay nghề phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
- Khoản chi tiền vé máy bay về thăm nhà mỗi năm một lần.
Căn cứ vào công văn 10784/CT-TTHT về thu nhập cá nhân:
Người nước ngoài sẽ phải quyết toán thuế TNCN trước khi xuất cảnh rời Việt Nam (tiết a.5 khoản 2 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC) khi có đủ các yếu tố sau:
- Được xác định là cá nhân cư trú của chính năm xuất cảnh, tức đã cư trú tại Việt Nam ít nhất 183 ngày ngay trong năm
- Làm việc theo Hợp đồng lao động, tính thuế TNCN theo Biểu lũy tiến.
Tuy nhiên, nếu là năm đầu tiên đến và làm việc tại Việt Nam thì kỳ quyết toán đầu tiên không phải là cuối năm Dương lịch, thay vào đó là thời điểm đủ 365 ngày tính từ ngày nhập cảnh đầu tiên.
Từ năm thứ hai trở đi, sẽ quyết toán theo thời điểm cuối năm Dương lịch (điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 111/2013/TT-BTC). Thu nhập đưa vào quyết toán trong năm thứ hai chắc chắn có bao gồm phần thu nhập của kỳ quyết toán trước đó, nhưng không sao, số thuế đã nộp trong những tháng của đầu của năm quyết toán thứ hai sẽ được giảm trừ.
Ví dụ: Ngày đầu tiên đến Việt Nam làm việc là 1/9/2016 thì kỳ quyết toán đầu tiên sẽ tính từ 1/9/2016 đến 31/8/2017. Giả sử người này tiếp tục làm việc, kỳ quyết toán thứ hai sẽ tính từ 1/1/2017 đến 31/12/2017. Trong đó, số thuế đã nộp trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 31/8/2017 sẽ được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thứ hai
“Trường hợp Công ty có lao động người nước ngoài (ông Yamamoto Tsukasa – quốc tịch Nhật Bản) làm việc tại Công ty đến Việt Nam lần đầu tiên ngày 28/05/2015, từ ngày 28/05/2015 đến ngày 31/12/2015 có mặt tại Việt Nam 62 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là 201 ngày thì là cá nhân cư trú tại Việt Nam theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Kỳ tính thuế đầu tiên của cá nhân này được xác định từ ngày 28/05/2015 đến hết ngày 27/05/2016, kỳ tính thuế thứ hai được xác định từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Trường hợp phần mềm kê khai (HTKK) chưa hỗ trợ lập tờ khai quyết toán cho kỳ tính thuế từ ngày 28/05/2015 đến 27/05/2016 thì cá nhân tự lập tờ khai quyết toán thuế TNCN và nộp trực tiếp tại cơ quan thuế.”
Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào công nợ 3438/TCT-TNCN về thuế thu nhập cá nhân như sau:
Việc ủy quyền quyết toán thuế áp dụng chung, không phân biệt là lao động Việt Nam hay nước ngoài, cụ thể:
Nếu có thu nhập duy nhất tại nơi làm việc thì có thể ủy quyền cho công ty quyết toán thay. Giấy ủy quyền được lập theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN “Giấy ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân” được quy định tại thông tư 92/2015/TT-BTC.
Nếu thu nhập hai nơi trở lên thì phải tự mình quyết toán. Tuy nhiên, mọi người có thể lập giấy ủy quyền theo pháp luật dân sự để công ty nhận ủy quyền quyết toán thay.
Trường hợp cá nhân không cư trú ở Việt Nam, đồng thời làm việc ở VN và cả nước ngoài
Đối với trường hợp trên thì doanh thu để tính thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức như sau:
Trường hợp 1: Nếu cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
Tổng số ngày làm việc trong năm |
Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.
Trường hợp 2: Nếu cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:
Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam | = | Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam | x | Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) | + | Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam |
365 ngày |
Trong đó:
– Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam: Là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.
Để đơn giản mọi vấn đề, bạn có thể sử dụng dịch vụ kế toán của chúng tôi! Với dịch vụ kế toán thuế của Đông Nam Á, chắc chắn bạn sẽ hài lòng!
Trên đây là những gì liên quan đến cách tính thuế TNCN cho người nước ngoài. Hi vọng là bài viết có ích cho các bạn!
Chúc bạn thành công!
>>> Hướng dẫn đăng kí mã số thuế cá nhân mới nhất
>>> Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất