Kế toán nội bộ là gì và công việc cần làm?

Bạn đã nghe về kế toán nội bộ nhưng chưa rõ kế toán nội bộ là gì? Công việc cụ thể như thế nào và bao gồm những loại kế toán nào? Kế toán nội bộ chính là kế toán quản trị, còn chi tiết thì chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

>>> 3 sơ đồ tổ chức bộ máy kế toán trong công ty chủ doanh nghiệp nên biết

>>> Công việc của kế toán nội bộ là làm gì?

Kế toán nội bộ là gì?

Kế toán nội bộ là kế toán đảm nhiệm việc thu thập tất cả những nghiệp vụ phát sinh có chứng từ và cả không có chứng từ. Từ đó ghi nhận lại những hoạt động của công ty để cuối cùng tổng hợp thành các sổ sách chi tiết, đúng với thực tế thu chi của doanh nghiệp. Đồng thời để cuối kỳ xác định được lãi lỗ và tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh chính xác nhất.

*Lưu ý: kế toán nội bộ không liên quan đến kế toán tài chính hay kế toán thuế.

Kế toán nội bộ là gì?
Kế toán nội bộ là gì?

Phân loại kế toán nội bộ

Như các bạn đã biết kế toán nội bộ phục vụ cho nhu cầu của chính doanh nghiệp. Vì thế tùy theo tính chất, quy mô và nhu cầu của mình doanh nghiệp sẽ phân loại kế toán trong trong công ty khác nhau. Nhằm đảm bảo việc ghi chép chính xác, trung thực, đảm bảo được yêu cầu công việc và tối ưu hóa chi phí. Dưới đây dựa vào chức năng kế toán ở từng bộ phận để các bạn dễ nắm và khi vào từng công ty thì sẽ có sự thay đổi linh hoạt hơn.

  • Kế toán thu chi:

Khi đảm nhiệm vị trí này thì bạn cũng như một thủ quỹ, đảm trách quản lý quỹ tiền mặt. Đồng thời cập nhật nghiệp vụ Thu – Chi – Tồn quỹ vào sổ và báo cáo khi cần thiết.

  • Kế toán kho

Kết hợp với thủ kho, lập chứng từ khi xuất – nhập kho và ghi nhận vào sổ sách để theo dõi hàng tồn kho. Việc ghi nhận phải chính xác, kịp thời, đồng thời báo cáo khi cần thiết để tránh việc tồn kho, thất thoát gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

  • Kế toán ngân hàng

Nghe qua thì các bạn cũng hình dung được là tất cả các nghiệp vụ liên quan đến chuyển khoản sẽ là kế toán ngân hàng đảm trách đúng không? Cụ thể là lập ủy nhiệm chi, séc rút tiền, nạp tiền, ghi nhận sổ sách kế toán và đến cuối tháng tiến hành đối chiếu sổ phụ với bút toán đã ghi nhận để quản lý tiền tại ngân hàng.

  • Kế toán tiền lương

Đảm nhận tất cả các vấn đề liên quan đến lương của người lao động như soạn thảo, quản lý hợp đồng, tham gia xây dựng dựng Quy chế lương, tính lương, thanh toán lương, quản lý và theo dõi bảo hiểm cho tất cả các nhân viên.

Về kế toán lương thì tùy công ty nữa, có công ty có bộ phận nhân sự đảm nhận thì kế toán sẽ phối hợp với nhân sự để quản lý tất cả các vấn đề trên.

  • Kế toán bán hàng

Khi phát sinh các nghiệp vụ bán hàng, mua hàng thì kế toán theo dõi, ghi nhận và theo dõi, tính chiết khấu cho khách hàng. Cuối kỳ thì hỗ trợ kế toán tổng hợp để đối chiếu, kiểm tra số liệu với hàng trong kho, công nợ.

Bạn lưu ý nếu là kế toán bán hàng thì cuối mỗi ngày bạn cần thực hiện tổng kết lại số hàng đã bán, tính thuế GTGT. Thực hiện việc đối chiếu với hàng tồn kho.

  • Kế toán công nợ

Khi là kế toán công nợ, bạn cần theo dõi, kiểm tra, xác nhận tình hình công nợ với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác. Lập bút toán kết chuyển các khoản công nợ với cả chi nhánh và trụ sở chính công ty. Lập báo cáo cần thiết.

  • Kế toán tổng hợp

Dựa vào các số liệu và báo cáo của các nhân viên kế toán khác, kế toán tổng hợp ghi nhận tổng quát và lập báo cáo tài chính.

  • Kế toán trưởng

Sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý tất cả các kế toán trong công ty, điều phối công việc của mọi người. Đồng thời tư vấn cho chủ doanh nghiệp về tình hình tài chính, hướng phát triển của doanh nghiệp thông qua các nghiệp vụ đã được ghi nhận.

  • Kiểm soát nội bộ

Thường trong những công ty lớn điều có bộ phận kiểm soát nội bộ. Các kiểm soát viên sẽ giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp từ nhân viên, hệ thống máy móc, trang thiết bị, chi phí quản lý, hướng phát triển, … từ đó đưa ra các báo cáo và đề nghị các giải pháp cần thiết để công ty tối ưu được mọi nguồn lực của mình và hướng phát triển đúng đắn.

>> Tìm hiểu về dịch vụ kế toán của Kế toán Đông Nam Á

Công việc của kế toán nội bộ

Như nội dung ở phần trên thì các bạn đã biết kế toán nội bộ là gì, những công việc chi tiết cần phải làm. Vậy khi đảm nhiệm vị trí kế toán nội bộ thì bạn sẽ là người:

Đảm nhiệm việc theo dõi, ghi nhận và báo cáo tất cả các nghiệp vụ phát sinh từ thu chi tiền mặt, quản lý tiền ngân hàng, kho, tiền lương, bán hàng, công nợ. Lập báo cáo theo quy định hoặc theo yêu cầu, từ các báo cáo phân tích tình hình và đưa ra kiến nghị cần thiết cho DN. Cũng như một số nhiệm vụ khác liên quan nếu được yêu cầu.

Phần mềm hỗ trợ kế toán nội bộ

Để hoàn thành công việc tốt nhất thì một kế toán nội bộ không thể thiếu những công cụ hỗ trợ, đặc biệt là phần mềm.

Bạn có thể tham khảo một số phần mềm phổ biến đang được sử dụng rộng rãi như sau:

Phần mềm HTKK:

Đây là phần mềm giúp kê khai thuế HTKK nhằm hỗ trợ kê khai thuế do Tổng cục thuế phát hành – cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp – dùng cho hoạt động tạo ra các tờ kê khai thuế có mã vạch đính kèm khi cần in ra.

Thông qua phần mềm, bạn có thể kê khai những mục thuế như: thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường…. Rất tiện lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí của doanh nghiệp.

Phần mềm Misa

Nhắc đến phần mềm kế toán thì không ai không nghĩ đến phần mềm Misa vì độ thông dụng và nổi tiếng.

Một số nghiệp vụ cơ bản trong phần mềm Misa như:

Nghiệp vụ thu chi, mua hàng, kế toán bán hàng, kế toán công nợ, quản lý hóa đơn, kế toán tổng hợp, hợp đồng….

Phần mềm Misa được sử dụng trong các loại hình doanh nghiệp sau:

Doanh nghiệp vừa mới thành lập.

Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, có cách quản lý không quá phức tạp.

Doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Ưu điểm của phần mềm này là giao diện đơn giản, dễ dàng sử dụng. Đặc biệt là những kế toán mới ra trường, chưa tiếp xúc với công việc trên phần mềm thì có thể dễ dàng thích nghi với công việc của mình. Ngoài ra, độ bảo mật thông tin cao giúp bảo vệ cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.

Phần mềm Fast

Phần mềm này được Công ty Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (FAST) triển khai và được sử dụng với hơn 25.000 doanh nghiệp trên cả nước.

Phần mềm Fast có một số ưu điểm như sau:

Bám sát chế độ kế toán hiện hành.

Hệ thống báo cáo đa dạng, phù hợp với yêu cầu của nhiều loại hình doanh nghiệp.

Tốc độ xử lý nhanh.

Dễ dàng truy xuất thông tin, đảm bảo thông tin chính xác.

Có thể kết xuất báo cáo ra Excel.

Giao diện dễ sử dụng, sổ sách chứng từ kế toán mang tính cập nhật và bám sát chế độ kế toán hiện hành.

Phần mềm TS24

Phần mềm TS24 cũng được xem là phần mềm khá hữu ích cho kế toán nội bộ bởi sự tiện lợi, dễ dàng sử dụng của nó.

Ngoài những nghiệp vụ kế toán được cung cấp đầy đủ, phần mềm TS24 còn có những ưu điểm vượt trội sau:

Kê khai được tất cả các Luật Thuế cho nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân.

Lập các thủ tục hành chính thuế để giao dịch với Cơ quan Thuế.

Nộp hồ sơ thuế qua mạng dễ dàng.

Tự động trao đổi thông tin giữa người nộp tờ khai và người ký tờ khai

Kết nối dữ liệu đồng thời giữa Kế toán – Thuế – Hóa đơn – Nộp thuế, theo dõi và quản lý số liệu thông minh và dễ dàng.

Kế toán nội bộ làm việc ở đâu

Không chỉ là kế toán nội bộ mà những ngành kế toán khác như kế toán ngân hàng, kế toán thuế đều có chung câu hỏi như trên. Đặc biệt là những kế toán viên mới ra trường. Khi cầm tấm bằng kế toán, rất nhiều cử nhân kế toán rất đau đầu và phân vân trước ngàn câu hỏi như kế toán làm việc ở đâu? Nên làm việc ở thành phố hay ở quê? Lương bao nhiêu là phù hợp?…

Thật ra,  mọi tổ chức trên toàn quốc như doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, siêu thị, cơ quan quản lý nhà nước… đều cần nhân viên kế toán. Vì mọi tổ chức đều cần phải quản lý sổ sách, số liệu, theo dõi dòng tiền, tình hình kinh doanh lãi-lỗ. Dù tổ chức đó có quy mô nhỏ hay lớn thì vai trò kế toán viên không thể nào phủ nhận tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển của tổ chức.

Cho nên, với một cử nhân kế toán thì bạn không cần phải lo lắng việc thất nghiệp nhé. Điều quan trọng, bạn muốn làm việc ở đâu, mục tiêu công việc trong tương lai như thế nào, mức lương mong muốn.. từ đó, bạn có thể lựa chọn nơi làm việc phù hợp nhé.

Mô tả công việc của kế toán nội bộ trong nhà hàng, khách sạn

  • Dù bạn thực hiện công việc kế toán nội bộ trong lĩnh vực nào thì nghiệp vụ cũng gần tương đương nhau. Yêu cầu công việc khác nhau tùy theo tính chất hoạt động của từng tổ chức.
  • Kế toán nội bộ trong nhà hàng, khách hàng có những công việc như sau:
  • Kiểm soát các loại hóa đơn, tiếp nhận và kiểm tra, lưu trữ chứng từ kế toán.
  • Ghi chép, tính toán một cách chính xác các thông tin về: chi phí, hoạch toán thu nhập, thuế VAT, công nợ, … theo quy định của nhà hàng, khách sạn.
  • Cập nhật thông tin chứng từ, sổ sách kế toán, công nợ thu – chi hàng ngày.
  • Kiểm soát giá cả hàng hóa nhập vào.
  • Liên lạc với bộ phận mua hàng để nhận các chứng từ xuất/nhập hàng hóa và nhập vào hệ thống phần mềm.
  • Theo dõi quản lý số lượng tài sản, công cụ mua về và nhập vào phần mềm, tăng giảm định kỳ hàng tháng.
  • Nhận, theo dõi, so sánh sự biến động giá cả hàng hóa của các nhà cung cấp và báo cáo cho Ban giám đốc.
  • Kiểm tra các thanh toán và hạch toán phát sinh, tổng hợp tình hình thu chi hàng ngày.
  • Thực hiện việc tiếp nhận, kiểm tra đối chiếu chứng từ giữa thu ngân và bộ phận oder.
  • Thực hiện việc lưu trữ thông tin, chứng từ, sổ sách theo quy định của nhà hàng.
  • Soạn hợp đồng, báo giá cho khách hàng.
  • Lập báo cáo tình hình kinh doanh của nhà hàng, khách sạn; báo cáo tình trạng sử dụng hóa đơn; báo cáo thuế theo tháng, quý, năm; BCTC và các báo cáo khác liên quan.
  • Thực hiện các công việc khác khi có sự phân công của cấp trên.

Mô tả công việc chi tiết của từng loại kế toán nội bộ

Kế toán bán hàng

  • Ghi chép những thông tin ghi nhận hóa đơn hàng ngày. Kiểm tra đơn giá sản phẩm, số lượng sản phẩm từ đó xuất hóa đơn cho khách hàng.
  • Kiểm tra và giám sát các kế toán thực hiện bán hàng, kế hoạch lợi nhuận, phân phối hàng bán.
  • Cập nhật giá cả và sản phẩm mới cho doanh nghiệp.
  • Lập các bảng kê hóa đơn bán hàng, doanh thu và thuế GTGT vào cuối ngày.
  • Tính toán một cách chính xác tổng doanh thu, đơn giá, thuế GTGT của từng nhóm hàng và theo đơn vị để tiện cho việc quản lí kiểm tra hàng.
  • Kiểm tra tình trạng quản lí tiền hàng, quản lí khách nợ hay theo dõi những lô hàng, tiền hàng và khách nợ để nắm bắt và báo cáo lại cho phòng kế toán, đặc biệt là kế toán trưởng.
  • Nắm rõ giá mua thực tế của lượng hàng để điều tiết giá sản phẩm cũng như lãi lỗ trong kinh doanh.
  • Nắm rõ các thông tin về tất cả các khoản chi phí bán hàng, những phát sinh thực tế để dựa vào đó thực hiện xác định kết quả kinh doanh.
  • Cung cấp thông tin về bán hàng và doanh số để phục vụ cho việc chỉ đạo và điều hành kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Làm các công việc đối chiếu với bên thủ kho về số lượng hàng bán và hàng tồn.
  • Quản lí hóa đơn chứng từ, các hợp đồng với khách.
  • Làm thẻ VIP cho khách hàng (nếu mô hình là nhà hàng – khách sạn).
  • Thực hiện các công việc kế toán trưởng giao.

Kế toán thanh toán

  • Thực hiện các công việc liên quan đến vấn đề thanh toán các khoản phải trả, các khoản phải thu.
  • Hạch toán kế toán, hạch toán nhập kho, làm phiếu hạch toán chi phí đầu vào, trích trước chi phí.
  • Làm ủy nhiệm chi, phiếu thu chi thanh toán tiền.
  • Ghi nhận lương, BHXH, BHYT, BHTN vào sổ kế toán.
  • Đối chiếu công nợ phải trả Nhà cung cấp và phải thu Khách hàng
  • Kê khai, theo dõi thuế Giá trị gia tăng (VAT).
  • Nhập dữ liệu, lập các báo cáo thống kê định kỳ, báo cáo điều tra giá nguyên vật liệu dùng sản xuất, báo cáo hoạt động nhập khẩu hằng năm.Lập tờ khai thuế.
  • Theo dõi, quản lý quỹ tiền mặt.
  • Quản lý chứng từ liên quan.

Kế toán tiền lương

  • Theo dõi và hạch toán tiền lương, phụ cấp phải trả cho người lao động dựa trên bảng chấm công, đơn nghỉ phép.
  • Tính các khoản trích theo lương như BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.
  • Xây dựng thang bảng lương để tính lương và các khoản trích theo lương.
  • Giám sát tình hình sử dụng quỹ lương của doanh nghiệp.
  • Theo dõi tình hình trả- tạm ứng lương, tiền thưởng cho người lao động.
  • Lập báo cáo về lao động, tiền lương và các khoản trích theo lương cho cấp trên.
  • Hạch toán, phân bổ chi phí lương vào đúng đối tượng trong quá trình sản xuất.
  • Hoàn thiện bộ hồ sơ chứng từ về tiền lương để tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN.

Kế toán công nợ

  • Lên danh sách công nợ khách hàng, từ đó lên kế hoạch thu-chi hợp lý.
  • Lưu giữ các chứng từ liên quan đến nghiệp vụ (phiếu thu, phiếu chi, ủy nhiệm chi…).
  • Theo dõi công nợ của từng khách hàng cũng như nhà cung cấp.
  • Soạn thảo các văn bản đòi công nợ.
  • Thực hiện công việc thu tiền khách hàng theo sự phân công của cấp trên.
  • Định kỳ, xác nhận công nợ với khách hàng và các nhà cung ứng.
  • Đôn đốc công việc thu nợ khách hàng mỗi tháng.
  • Định khoản, hạch toán và phân loại chứng từ liên quan đến nghiệp vụ.
  • Theo dõi tình hình hoạt động hợp đồng mua bán giữa khách hàng và các nhà cung ứng.
  • Đối chiếu các khoản đã thu và đã thanh toán với thủ quỹ.
  • Báo cáo tình hình thu- chi với cấp trên cũng như đề xuất phương án giải quyết đối với các khoản nợ khó đòi.

Kế toán thuế

  • Lập hóa đơn theo đơn hàng phát sinh trong kỳ.
  • Thu thập, xử lý, sắp xếp và lưu trữ các hóa đơn, chứng từ liên quan đến thuế.
  • Khai báo thuế theo định kỳ đúng theo quy định của pháp luật.
  • Kết hợp với kế toán khác để đối chiếu số liệu trên hóa đơn cũng như tình hình sử dụng hóa đơn.
  • Lập báo cáo thuế GTGT đầu ra và đầu vào để tiến hành khấu trừ thuế GTGT.
  • Xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hóa đơn: sai hóa đơn, hủy hóa đơn hay mất hóa đơn.
  • Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xuất nhập khẩu.
  • Hạch toán các nghiệp vụ thuế phát sinh.
  • Trực tiếp làm việc với cơ quan thuế.
  • Kiểm tra, đối chiếu hàng hóa trả về để kịp thời điều chỉnh hóa đơn.
  • Lập hồ sơ các khoản được hoàn thuế.
  • Lập báo cáo thuế theo định kỳ và báo cáo quyết toán thuế TNDN.

Kế toán kho

  • Theo dõi hàng hóa trong kho: số lượng nhập- xuất, tình trạng hàng hóa, số lượng thực tồn trong kho.
  • Khi có nghiệp vụ phát sinh, phải cập nhật kịp thời các số liệu lên phần mềm: số lượng nhập, số lượng xuất, số lượng hàng bán bị trả lại..
  • Lập báo cáo hàng nhập- tồn trong kho, từ đó, lên kế hoạch nhập hàng- dự trữ hàng để đảm bảo tình trạng đủ hàng hóa cung cấp.
  • Lưu trữ các tài liệu, hóa đơn liên quan đến nghiệp vụ nhập-xuất hàng.
  • Kết hợp với kế toán liên quan để theo dõi, đối chiếu số liệu phát sinh trong ngày, trong kỳ.
  • Tham gia kiểm kê số lượng với thủ kho cũng như bộ phận giao nhận hàng hóa.
  • Lập thẻ kho theo dõi hàng tồn kho.
  • Thực hiện công việc xuất hàng cho khách hàng: lên đơn hàng, ký duyệt phiếu xuất kho…
  • Xác nhận số liệu kiểm kê, từ đó nhập số liệu lên phần mềm, sổ sách.
  • Lập báo cáo nhập xuất tồn kho.

Kế toán tổng hợp

Với công việc là kế toán tổng hợp thì đòi hỏi một kế toán viên cần nắm rõ tất cả những nghiệp vụ của tất cả các loại kế toán như kế toán công nợ, kế toán bán hàng, kế toán tiền lương… Cho nên, những doanh nghiệp tuyển vị trí này thường yêu cầu cao về kinh nghiệm cũng như năng lực làm việc. Vì vậy, nếu bạn muốn tìm việc với vị trí này thì cần nắm rõ những công việc cơ bản của một nhân viên kế toán tổng hợp như sau:

  • Kiểm tra đối chiếu các số liệu giữa các đơn vị nội bộ, dữ liệu chi tiết và tổng hợp.
  • Kiểm tra đối chiếu xuất – nhập – tồn kho hàng hóa giữa các đơn vị nội bộ, tham gia kiểm kê các kho hàng hóa .
  • Kiểm tra sự cân đối, hợp lý giữa các số liệu kế toán chi tiết và tổng hợp.
  • Kiểm soát toàn bộ các nghiệp vụ phát sinh trên hệ thống của các kế toán viên.
  • Yêu cầu kế toán viên điều chỉnh nghiệp vụ phát sinh sai.
  • hực hiện toàn bộ các nghiệp vụ tổng hợp khi khóa sổ: trích bút toán chi phí cuối tháng, chạy giá vốn, phân bổ chi phí, các bút toán kết chuyển trong kỳ.
  • Thống kê, tổng hợp số liệu kế toán định kỳ và khi có yêu cầu.Báo cáo những công nợ đã thanh toán và công nợ chưa thanh toán vào cuối tháng. Lập bảng theo dõi công nợ mỗi đầu tháng của các khách hàng.
  • Theo dõi hàng xuất ra của từng kế toán bán hàng.
  • Tổng kết các công nợ chưa thanh toán , lập văn bản để nhắc nhở công nợ hoặc thu hồi nợ.
  • Theo dõi và tính toán chi phí sản xuất để tính giá thành và tham mưu cho cấp trên giá bán sản phẩm.
  • Theo dõi tình hình xuất nguyên vật liệu sản xuất để kiểm soát tình hình hao hụt nguyên vật liệu. Từ đó, đề xuất biện pháp cải tiến để tiết kiệm chi phí, giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
  • Hạch toán các nghiệp vụ phát sinh trong kỳ như khấu hao, thu- chi, thuế GTGT, công nợ..
  • Kiểm tra và giám sát hàng tồn kho, thời gian tồn kho thông qua kế toán kho.
  • Kiểm kê định kỳ khấu hao tài sản cố định.
  • Sắp xếp, lưu trữ các chứng từ, hóa đơn.
  • Hỗ trợ, hướng dẫn các nhân viên kế toán khác về các nghiệp vụ kế toán phát sinh, giải đáp các thắc mắc cũng như hỗ trợ xử lý khi có vấn đề xảy ra, kiểm tra các định khoản nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Kế toán ngân hàng

  • Kiểm tra tính đúng đắn các nội dung ghi trên séc và viết phiếu thu séc với những séc hợp lệ.
  • Lập bảng kê nộp séc, trình ký, đóng dấu để nộp ra ngân hàng
  • Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của đề nghị thanh toán và lập lệnh chi tiền, uỷ nhiệm chi, công văn mua ngoại tệ (đối với lệnh chi ngoại tệ)… và nộp ra ngân hàng.
  • Làm việc với ngân hàng khi có nghiệp vụ phát sinh như: lập hồ sơ bảo lãnh, hồ sơ mở L/C, nộp tiền, chuyển tiền…..
  • Theo dõi tình hình mở thanh toán, ký hậu vận đơn gốc, bảo lãnh các LC.
  • Kiểm tra chứng từ báo nợ, báo có, báo vay, báo trả vay của các ngân hàng.
  • Định khoản các nghiệp vụ liên quan.
  • Kiểm soát số dư các tài khoản ngân hàng và làm bút toán chênh lệch tỷ giá các tài khoản ngân hàng.
  • Báo cáo cho trưởng phòng để kiểm soát và thực hiện kế hoạch dòng tiền.

Trên đây là những công việc cơ bản của từng loại kế toán trong các tổ chức mà bạn có thể tham khảo trước khi quyết định cho con đường sự nghiệp của mình. Ngoài những công việc trên, các tổ chức có thể thêm hoặc bớt những công việc khác tùy thuộc vào từng cách quản lý riêng.

Trên đây là tất cả thông tin về kế toán nội bộ là gì, công việc của kế toán nội bộ ra sao. Bạn có thể nắm và hiểu rõ hơn về công việc của kế toán này nhé!

Chúc bạn thành công!

>>> Các hàm trong excel và ví dụ minh họa cho kế toán

>>> Công việc kế toán xuất nhập khẩu trong công ty