Tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế của doanh nghiệp không hề khó khăn như nhiều người vẫn tưởng. Bài viết sau đây mình sẽ giới thiệu bạn cách nhanh nhất để có thể tra cứu online mà không tốn quá nhiều thời gian của bạn. Cùng theo dõi bài viết sau nhé!
Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp
Để có thể tra cứu ngành nghề kinh doanh bằng mã số thuế, đầu tiên các bạn phải biết mã số thuế hoặc tên công ty. Có 2 cách đơn giản để bạn có thể tìm mã số thuế công ty nhanh gọn đó là bạn có thể gõ tên công ty lên Google với từ khóa : mã số thuế + tên công ty hoặc vào chính trang tra cứu ngành nghề để tìm mã số thuế của công ty luôn cũng được. Riêng mình thì mình chọn cách lên gõ Google.
Và mình sẽ gõ như sau:
Như trong hình các bạn có thể thấy, sau khi gõ xong Google cho ra rất nhiều kết quả và ngay ở kết quả đầu tiên ta đã thấy mã số thuế của công ty rồi.
Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế doanh nghiệp
Khi các bạn đã có mã số thuế của công ty cần tra rồi thì bước tiếp theo đây bạn có thể tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế của doanh nghiệp đó.
Đầu tiên bạn vào trang https://dangkykinhdoanh.gov.vn/. Sau đó nhập mã số thuế của doanh nghiệp mà bạn vừa tìm rồi bấm tìm kiếm là ra ngay thông tin về doanh nghiệp đó. Sau khi vào trang và tìm kiếm theo mã số thuế doanh nghiệp bạn sẽ thấy những thông tin sau.
Sau khi tìm kiếm xong, bạn chỉ cần click vô tên doanh nghiệp là thấy ngay những thông tin về doanh nghiệp đó thôi nhé!
Trường hợp tra cứu ngành nghề kinh doanh bằng tên công ty
Bạn vẫn vào trang web đó nhưng thay vì phải tìm kiếm mã số thuế ban đầu thì giờ bạn nhập thẳng tên công ty đó vào luôn.
Sau khi tìm kiếm thì kết quả hiện lên rất nhiều. Vậy làm sao để bạn chọn ra được đâu mới là công ty bạn cần tìm?
Hãy lưu ý cột trụ sở chính của công ty. Ví dụ như mình biết công ty mình tìm có trụ sở ở Quận Phú Nhuận TPHCM thì mình tìm xem công ty nào có như vậy không. Từ đó mình chọn ra được công ty mà mình muốn xem. Đơn giản quá phải không nào!
Lưu ý về ngành nghề kinh doanh từ 20/08/2018
Doanh nghiệp đăng ký trước ngày 20/08/2018 khi thực hiện nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh (Bổ sung ngành nghề kinh doanh, rút ngành nghề kinh doanh và chi nhánh, địa điểm kinh doanh) cần thực hiện những lưu ý sau:
Đối với thay đổi ngành nghề kinh doanh công ty (Bổ sung/ rút bớt ngành nghề kinh doanh)
Thực hiện theo quy định mới Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về ban hành hệ thống Ngành nghề kinh tế Việt Nam mới nhất có hiệu lực từ 20/08/2018 thay thế cho Quyết định 10/2007/QĐ-TTg. Doanh nghiệp có nội dung thay đổi liên quan đến ngành nghề kinh doanh cần phải thực hiện nội dung cập nhật ngành nghề kinh doanh theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1. Xem ngành nghề kinh doanh công ty đã phù hợp với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018).
* Trường hợp ngành nghề kinh doanh công ty đã phù hợp Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg thì doanh nghiệp thực hiện bổ sung hoặc rút bớt ngành nghề bình thường.
* Trường hợp ngành nghề kinh doanh công ty có nội dung chưa phù hợp với ngành nghề trong Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg cần làm cập nhật ngành nghề kinh doanh cho phù hợp với hệ thống ngành kinh tế.
Bước 2. Thực hiện thay đổi ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp bổ sung/rút bớt ngành nghề kinh doanh theo quy định hệ thống ngành kinh tế mới.
– Đối với thành lập, thay đổi ngành nghề kinh doanh đơn vị phụ thuộc
Thực hiện theo quy định mới Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về ban hành hệ thống Ngành nghề kinh tế Việt Nam mới nhất có hiệu lực từ 20/08/2018 thay thế cho Quyết định 10/2007/QĐ-TTg. Doanh nghiệp có nội dung thay đổi liên quan đến ngành nghề kinh doanh cần phải thực hiện nội dung cập nhật ngành nghề kinh doanh theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1. Trước khi thành lập, thay đổi ngành nghề của chi nhánh, địa điểm kinh doanh, Doanh nghiệp cần xem xét ngành nghề kinh doanh công ty đã dược cập nhật hay chưa.
* Trường hợp công ty đã cập nhật theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018) thì sẽ chuyển sang bước 2 thực hiện thành lập, thay đổi đơn vụ phụ thuộc.
* Trường hợp công ty chưa cập nhật, Doanh nghiệp phải thực hiện cập nhật theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg (hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018) sau đó mới thực hiện thành lập, bổ sung/rút bớt ngành nghề kinh doanh.
Bước 2. Thành lập, thay đổi ngành nghề kinh doanh đơn vị phụ thuộc
* Thành lập Chi nhánh, địa điểm kinh doanh thực hiện áp theo mã ngành mới mà công ty mẹ đã cập nhật trước đó.
* Chi nhánh, địa điểm kinh doanh thay đổi (Bổ sung/rút bớt/ cập nhật) thực hiện thông báo ngành nghề kinh doanh theo quy định và mẫu cập nhật ngành nghề.
Ngoài ra, khi thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý thêm những điểm sau:
- Trường hợp ngành nghề bổ sung không nằm trong hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam thì phải được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật chuyên ngành.
- Ngành nghề kinh doanh dự kiến bổ sung không trùng với ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký mã ngành này nhưng thiếu nội dung mà doanh nghiệp muốn bổ sung thì phải rút mã ngành cũ và điều chỉnh lại lại mã ngành này.
- Ngành nghề kinh doanh dự kiến bổ sung thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Đối với doanh nghiệp khi thành lập chưa đăng ký số điện thoại/email/fax, khi thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh (hoặc các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khác) phải kèm theo việc bổ sung thông tin về số điện thoại/email của công ty mình.
Các thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty:
- Thông báo về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của công ty (theo mẫu quy định tại Phụ lục II-1 Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT).
- Quyết định/ Biên bản về việc bổ sung ngành nghề kinh danh của công ty.
- Biên bản họp Hội đồng thành viên( Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc Biên bản họp Hội đồng quản trị (Đối với công ty cổ phần);
- Giấy tờ ủy quyền cho người thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Nơi nộp hồ sơ: Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết:
- Thời hạn giải quyết được tính trong vòng 03-05 ngày làm việc kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh nhận đầy đủ những hồ sơ hợp lệ trên.
Công bố nội dung thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
- Theo quy của Luật Doanh nghiệp 2014 thì trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trừ trường hợp thay đổi nội dung của địa điểm kinh doanh, chi nhánh công ty, văn phòng đại diện của công ty.
- Lưu ý:Thời hạn công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới doanh nghiệp phải thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Lệ phí công bố thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh là: 100.000 đồng/lần thay đổi (Theo thông tư 47/2019/TT-BTC có hiệu lực từ 20/9/2019)
Khi thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp có quyền xuất hóa đơn ngoài ngành nghề đã được đăng ký sau khi đã thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp bổ sung ngành nghề mới.
Nếu không thực hiện thủ tục thông báo về thêm ngành nghề kinh doanh thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Theo hướng dẫn trên, trường hợp công ty xuất hóa đơn kinh doanh không đúng ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh, nếu ngành nghề đó không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoặc bị cấm kinh doanh thì:
- Doanh nghiệp được xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu.
- Được kê khai khấu trừ thuế đầu vào.
- Công ty bổ sung ngành nghề, nếu còn tiếp tục kinh doanh mặt hàng chưa có trong giấy đăng ký kinh doanh.
Cách mã hóa ngành nghề kinh doanh
Để hiểu rõ cách mã hóa ngành nghề kinh doanh,bạn cần tìm hiểu kỹ Luật doanh nghiệp năm 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ban hành Hệ thống mã ngành nghề kinh tế Việt Nam..
Căn cứ theo điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh thì ghi ngành, nghề kinh doanh được quy định như sau:
“Điều 7. Ghi ngành, nghề kinh doanh
- Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
- Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
- Việc ghi ngành, nghề kinh doanh quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này; trong đó, ngành, nghề kinh doanh chi tiết được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
- Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không báo cáo giải trình, cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp.”
Theo đó, khi thành lập doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề cấp 4 trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam ban hành trong Quyết định số 337/2007/QĐ- BKH của Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư. Mã ngành cấp 4 là mã ngành nghề 4 chữ số. Pháp luật không giải thích lý do tại sao lại là mã ngành cấp 4 mà không phải một cấp khác, tuy nhiên nếu ghi ngành nghề cấp 2 hoặc cấp 3 thì quá chung chung , ghi ngành nghề cấp 5 thì việc chia ngành nghề nhỏ quá. Việc lựa chọn ngành nghề cấp 4 là hợp lý để ngành nghề kinh doanh vừa rõ ràng, vừa chi tiết được ngành nghề. Tuy nhiên chế định về mã hoá ngành nghề cũng gây một số bất lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề không có trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam. Ở những trường hợp ngành nghề đặc biệt sẽ được xử lý như sau:
– Đối với ngành nghề có điều kiện: Trong trường hợp ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện được quy định ở văn bản pháp luật khác thì mã ngành nghề được ghi theo văn bản đó.
– Đối với ngành nghề không có trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam:
+ Đối với mã ngành không có trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam mà ngành nghề đó được ghi ở một văn bản pháp luật khác thì việc ghi mã ngành được ghi theo văn bản pháp luật đó.
+ Đối với mã ngành không có trong Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam mà ngành nghề đó cũng chưa được ghi trong văn bản pháp luật nào khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
– Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
Vì sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GPKD) lại không ghi ngành nghề?
Trước tiên để giải thích câu nghi vấn trên, chúng ta cùng tìm hiểu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì nhé.
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là một văn bản hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp, bao gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty TNHH và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ công ty tư nhân.
- Vốn điều lệ đối với công ty TNHH và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với công ty tư nhân; vốn pháp định đối với công ty kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định.
=>Về việc tại sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GPKD) lại không ghi ngành nghề thì được giải thích như sau:
Trong đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 vừa được Tổ thường trực Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp đưa ra lấy ý kiến, trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, có 3 phương án được đề xuất liên quan đến việc ghi ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp:
Phương án 1: Bỏ hoàn toàn phần ghi ngành nghề đăng ký doanh nghiệp.
Phương án 2: Doanh nghiệp chủ động ghi, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ mã hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước.
Phương án 3 :Doanh nghiệp chủ động ghi và mã hóa theo nhóm ngành II.
Trong số các phương án này, phương án 1 thể hiện triệt để nhất nguyên tắc doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động theo cơ hội thị trường mà không cần phải cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt ngành nghề đăng ký để ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như hiện tại. Trong trường hợp này, lỗi vi phạm kinh doanh trái ngành nghề đăng ký kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp thường gặp khi không kịp bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh sẽ bị xóa sổ.
Tất nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật về các ngành nghề cấm kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Mặt tích cực của quy định về việc giấy chứng nhận đăng ký DN không có phần liệt kê các ngành nghề là bước tiến trong việc thừa nhận tính hợp pháp của mọi hoạt động mà pháp luật không cấm và không hạn chế đối với DN, ít nhiều tạo lợi thế cạnh tranh hơn về mặt hình thức cho các DN được thành lập trong nước và khuyến khích đầu tư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, đăng ký kinh doanh mới không ghi ngành nghề nhưng vẫn phải kê khai và bổ sung khi công ty hoạt động vì các lý do bổ sung sau đây:
Thứ 1: Giấy phép đăng ký kinh doanh gọn hơn, giúp dễ dàng và tinh gọn trong việc lưu trữ cũng như sao y hay in ấn.
Thứ 2: Khi công ty muốn bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh thì không phải thay đổi giấy chứng nhận doanh nghiệp như trước đây. Doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo lên Sở kế hoạch và đầu tư về các ngành nghề bổ sung. Như vậy, cũng giúp doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh liên quan đến giấy phép.
Trên đây là cách mà giúp các bạn tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế của doanh nghiệp hoặc theo tên doanh nghiệp đều được. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn được phần nào trong việc tìm hiểu thông tin.
Chúc các bạn thành công!
>> Tải mẫu 08-MTS thông tư 95 về thay đổi thông tin doanh nghiệp so với lúc đầu đăng ký